Quan Âm Bồ-tát nghe tất cả âm thanh trần gian

Được hai vị Bồ-tát này ở Cực lạc của Phật Di Đà dẫn đường, chúng ta không sợ nữa.

Bồ-tát Quan Âm có hạnh lóng nghe rất giỏi, Ngài nghe được âm thanh của tất cả các loài và nghe luôn những cái không có âm thanh. Thể hiện lý này, thiền sư người Nhật cho tôi công án “Nhứt thủ âm thanh”, nghĩa là tiếng vỗ của một bàn tay, tự nhiên tôi nhớ đến Bồ-tát Quan Âm có khả năng nghe được cái không có âm thanh nên tôi đưa đáp án là “Văn trần thanh tịnh”. Thiền sư gật đầu, mỉm cười với tôi.

Quan Âm Bồ-tát nghe tất cả âm thanh trần gian, nhưng không âm thanh nào làm Ngài ô nhiễm. Vì vậy, quý vị muốn vào trần ai phải nương Quan Âm Bồ-tát là không nghe âm thanh, tức không bị âm thanh tác động mình.

Quan Thế Âm Bồ tát.

Quan Thế Âm Bồ tát.

Đức Quan Âm có khả năng đặc biệt, bao nhiêu âm thanh của chúng sanh tội lỗi, phiền não, khổ đau đổ trút ra, Ngài lóng nghe bằng 1.200 công đức, không phải nghe theo kiểu của mình là nghe chúng sanh nhiều làm mình nhức đầu.

Tôi phát hiện cách nghe theo Bồ-tát Quan Âm là nghe chúng sanh kể lể tất cả tâm sự của họ rồi, thì nhờ công đức nhĩ của mình chuyển hóa phiền não của họ thành Bồ-đề khiến họ thấy an lành, người đời gọi đó là trút tâm sự, nhờ có người nghe, thông cảm, nên họ nhẹ lòng. Bồ-tát Quan Âm nghe ở dạng này, biến phiền não thành Bồ-đề là trở thành trí giác, tức có nghe chúng sanh mới biết chúng sanh như thế, không nghe thì không biết được.

Tu Thanh văn, chúng ta không dám nghe, vì nghe làm chúng ta phiền, nhưng không nghe, chúng ta không biết, nghĩa là đánh mất tri giác của mình.

Nhưng tu Đại thừa, nghe theo kinh Pháp hoa là nghe bằng công đức mới biết trần ai, nghiệp chướng của chúng sanh và cái nghe này chẳng những không tác động ta phiền não, mà còn giúp ta tăng thêm hiểu biết, hơn thế nữa, cái nghe của chúng ta bằng tâm thanh tịnh tác động cho chúng sanh được an vui, giải thoát.

Bồ-tát Quan Âm và Đại Thế Chí dẫn đường không phải các Ngài đi trước dẫn, nhưng là hướng dẫn cho tâm chúng ta sáng, thấy biết được đáp số cho vấn đề, nên chúng ta tự giải quyết được việc, nên ta nói mình làm được nhờ Quan Âm.

Ngoài ra, còn có Bồ-tát Đại Thế Chí tiêu biểu cho trí tuệ. Cố Hòa thượng Trí Thủ làm bài kệ về hạnh đức của Ngài Đại Thế Chí như sau:

Đảnh thượng bảo bình phóng hào quang

Nhứt mao khổng nội hiện thập phang

Cử túc chấn kinh chư quốc độ

Phổ nhiếp tịnh nhân quy Lạc bang.

Ở đỉnh đầu của Bồ-tát Đại Thế Chí phóng hào quang, bộ não của Ngài gọi là bảo bình, nghĩa là bình báu phóng ra hào quang tiêu biểu cho trí tuệ. Thấy được chúng sanh nào có căn lành, tức có hạt giống lành, chúng sanh có tịnh nhân là hạt giống thanh tịnh bên trong, hào quang của ngài Đại Thế Chí phóng tới đó.

Chúng ta vào đời cũng nương ánh quang của Bồ-tát Đại Thế Chí, trí tuệ chúng ta tự sáng, nên thấy được cái thực của con người. Chứ cuộc đời này muôn mặt, giả dối nhiều. Ác ma nhưng đóng vai Phật, Bồ-tát hiền, tốt, làm chúng ta dễ lầm, nghe theo họ là chết. Nhờ ánh quang của Đại Thế Chí rọi, chúng ta thấy họ là con rắn, con hổ, hay con cáo…, thấy trong tâm của họ có con gì trong đó, thấy mạng của họ gọi là tướng tinh. Tướng tinh của họ là con chồn, là hồ ly tinh, nhưng bề ngoài, họ hiện thành Đắc Kỷ là mỹ nhân, nhiều người chết lầm chỗ này.

 

Cuộc đời này đồ giả bề ngoài tốt hơn đồ thật, dễ lầm, nhưng chúng ta nhìn đời qua ánh quang của Bồ-tát Đại Thế Chí, chúng ta thấy được người có hạt giống lành, có tịnh nhân thì chúng ta sẽ có bạn tốt hợp tác với ta trên bước đường tu Bồ-tát đạo, vì chúng ta làm được việc nhờ có bạn tốt, không thể làm một mình được.

Bạn xấu, bạn giả dối nguy hiểm, họ nói chúng ta nghe êm tai, mát lòng nhưng đụng việc là biết liền. Nhờ ánh quang của Đại Thế Chí, chúng ta biết rõ tim họ đỏ hay đen, họ tốt thiệt hay tốt giả. Họ tốt thiệt, chúng ta hợp tác làm, họ tốt giả để họ đi chỗ khác.

Vì vậy, chọn Bồ-tát quyến thuộc quan trọng. Nhờ ánh quang của Đại Thế Chí rọi vào, chúng ta mới thấy người tốt thiệt, họ cần ta, ta cũng cần họ và hai người hợp tác thì làm được việc lớn.

Quan Âm, Thế Chí dẫn đường là tôi muốn nói ý này. Nhờ Quan Âm, tức có tình thương Quan Âm, người mới tới với mình. Nhờ trí tuệ của Đại Thế Chí, mình chọn được người tốt, có bạn tốt đến. Người tốt đến đông, biết mình tu đúng.

Ngoài Quan Âm và Đại Thế Chí dẫn dường, chúng ta có vị Bồ-tát thứ ba cũng rất quan trọng là Văn Thù Sư Lợi. Hòa thượng Trí Thủ cũng làm bài kệ về Bồ-tát Văn Thù như sau:

Tam thế Như Lai chi Đạo sư

Trí nguyện quảng đại thậm nan tư

Vô biên sát hải vi trần quốc

Nhứt niệm thu lai hiện chơn như.

Văn Thù Bồ-tát là vị Đạo sư của ba đời các Đức Phật. Chúng ta sẽ là Phật tương lai thì chúng ta cũng phải nhờ Ngài làm Đạo sư cho chúng ta. Có được người tốt đến rồi, chúng ta phải biết khai thác điểm tốt của họ. Thật vậy, hành Bồ-tát đạo, chúng ta cần sức người, sức của, nhưng chúng ta không biết khai thác, sử dụng sức người sức của thì hai thứ quý báu này cũng sẽ mất lần.

Thí dụ người đem tiền tới, chúng ta nghe Văn Thù Bồ-tát nói chưa cần, đừng nhận. Hành Bồ-tát đạo, chúng ta cần tiền, nhưng không biết thì ai đưa tiền cũng nhận. Thậm chí, không cần mà đi xin, đi mượn để làm từ thiện.

Có đại thí chủ mời Tổ sư Ưu Ba Cúc Đa dự trai tăng cúng dường, nhờ trí Văn Thù mách bảo, ngài không đi, vì không đói và cần tu hơn. Đến lúc bà thí chủ hết phước, bị sạt nghiệp, lại bệnh nặng ra bãi tha ma nằm chờ chết. Lúc bấy giờ, ngài nghe Văn Thù Bồ-tát nói đúng lúc rồi đó, hãy đến độ bà này. Trong cơn hấp hối, bà trông thấy ngài, liền nói lúc con có nhiều tiền, mời thầy không tới cũng không nhận tiền cúng dường. Bây giờ, con còn gì đâu mà cúng cho thầy. Ngài Ưu Ba Cúc Đa nói bà còn niềm tin Phật pháp rất tốt sẽ giúp bà tái sanh trong nhà Phật pháp. Khai ngộ là chỗ này.

Trên bước đường tu, nhờ Bồ-tát Văn Thù khai ngộ cho chúng ta và chúng ta cũng khai ngộ cho tất cả mọi người. Thấy biết rõ hoàn cảnh của người và ta tạo điều kiện tốt để họ tu, phát triển được đời sống vật chất và tâm linh. Nhưng nếu chúng ta không biết, người cúng không sanh phước là ta làm họ tạo tội và ta cũng tội. Vì vậy, trí Văn Thù khai ngộ rất quan trọng, Ngài chỉ chúng ta làm không phạm sai lầm, cuộc đời tu của chúng ta mới đi lên, thành Phật được.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần Bồ-tát Dược Vương giúp. Vì chúng sanh khổ cần được cứu giúp, nhưng không có người giỏi hợp tác, ta không làm được. Thời Phật Thích Ca tại thế, Kỳ Bà là Thánh y rất giỏi, bệnh gì ông cũng chữa được. Kỳ Bà là con của vua Tần Bà Sa La, ông đi theo Phật Thích Ca qua thành Tỳ Da Ly để chữa bệnh. Đến thành này, Đức Phật giáo hóa, người ta theo Phật và được Phật chữa lành 50% bệnh về tinh thần, nhưng phải có Kỳ Bà dẫn đoàn bác sĩ tháp tùng Phật để chữa 50% bệnh còn lại của thân vật chất làm người ta khỏe mạnh hoàn toàn và trở thành người tốt tu được.

Vì vậy, quyến thuộc Bồ-đề của Phật tăng nhờ có Dược Vương Bồ-tát hiện thân là Kỳ Bà Thánh y. Ta thiếu sự giúp đỡ của Bồ-tát này cũng không làm được việc. Nếu quán sát kỹ, thấy có từng Bồ-tát xuất hiện giúp chúng ta làm được là chúng ta đi đúng đường, tức ta đã phát tâm Bồ-đề từ thế giới Thật báo của Phật và tu hành hiện thân trên cuộc đời làm đạo, nên các vị Bồ-tát cùng theo ta, giúp ta làm Phật sự thành tựu tốt đẹp.