Thấp thoáng Vu Lan

Vu Lan được xem là “ngày hội” Phật giáo thành công nhất góp phần khơi dậy tinh thần hiếu nghĩa, hiếu đạo trong nhân sinh xã hội, đưa Phật giáo tiếp cận một cách gần gũi nhất đến với quần chúng nhân dân.

Mỗi người Phật tử về chùa vào ngày lễ Vu Lan đều được chư Tăng rải tâm từ, chú nguyện gia đạo và cầu chúc bình an.

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, lần theo “dấu vết” những công trình nghiên cứu nghiêm túc của chư vị tiền bối, người viết xin phép được tổng hợp, trích lục và giới thiệu đến mọi người một cách súc tích và tương đối đầy đủ về ý nghĩa cũng như nguồn gốc ngày lễ Vu Lan.

Lễ Vu Lan Báo Hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

Lễ Vu Lan Báo Hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

Lễ Vu Lan diễn ra từ thời điểm nào?

Theo sự nghiên cứu của TT. Thích Chúc Phú, có ghi lại trong sách “Biện chính Phật học” (tập 1), trang 168, thì lễ Vu Lan diễn ra từ:

“Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538), thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm. Với chiều dài lịch sử đó, đã khẳng định những cống hiến riêng có của lễ hội này, trong tiến trình phát triển văn hóa của nhân loại nói chung và của Phật giáo nói riêng.”

Như vậy, mọi người đã biết được về chiều dài lịch sử của lễ Vu Lan.

Chữ Vu Lan nghĩa là gì?

Người viết xin được trích nguyên văn bài viết của giáo sư An Chi đã viết trên Kiến Thức Ngày Nay số 399 (10/09/2001):

“Vu Lan là dạng tắt của Vu Lan Bồn, phiên âm danh từ Sanskrit: Ullambhana. Ban đầu là Ô-lam-bà-na. Về sau, “Vu” thay thế cho “Ô”, “Lan” cho “Lam” và “Bồn” cho Bàn-na”. Vậy, Vu Lan Bồn chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm, nên từng tiếng một (Vu, Lan, Bồn) không có nghĩa gì cả. Do đó, tách “Bồn” ra mà giảng thành “cái chậu đựng thức ăn” là hoàn toàn không đúng.

 

Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Danh từ Sanskrit này có ba hình vị: Tiền tố Ud (trở thành Ul do quy tắc biến âm sandhi khi D đứng trước L), căn tố LAMBH và hậu tố ana (...) Tiền tố Ud chỉ ý phủ định hoặc đối lập (...) Căn tố LAMBH là hình thái luân phiên với LABH, có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt. Vậy Ul - LAMBH có nghĩa là giải thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt. Vậy Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng đọc theo âm Hán Việt là Vu Lan Bồn, được nói tắt là Vu Lan. Vậy Vu Lan là sự giải thoát.

Mathews’Chinese - English Dictionnary đã chú một cách ngắn gọn và chính xác về xuất xứ của ba tiếng “Vu Lan Bồn” như sau: From the Sanskrit Ullambhana, deliverance.

(Do tiếng Sanskrit Ullambhana, có nghĩa là sự giải thoát).”

Đây là sự nghiên cứu của giáo sư An Chi – bậc đại thụ trong rừng nghiên cứu Phật học Việt Nam. Và bài viết này được rất nhiều bậc trưởng lão Hòa thượng tán đồng và chấp thuận quan điểm.

Phật giáo Nam truyền có Vu Lan không?

Cũng theo sự nghiên cứu và phân tích của TT. Thích Chúc Phú, Thượng tọa đã tìm ra được câu chuyện tương tự như câu chuyện ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ thoát cảnh khổ nơi địa ngục trong kinh tạng Nikāya. Và một điều thú vị, câu chuyện này còn xuất hiện trong văn học Hán tạng. Người viết xin tóm tắt lại đại ý theo như sự nghiên cứu của TT. Thích Chúc Phú trong “Biện chính Phật học” (tập 1), bài “Kinh Vu Lan – khảo về nguồn gốc Hán tạng và Nikāya”:

Ý thứ nhất: có một bản kinh trong Hán tạng tương tự kinh Vu Lan mà chúng ta đang tụng đọc, tên là Ưu-đa-la Mẫu kinh (hay tên là Ưu-đa-la Mẫu Đọa Ngạ Quỷ Duyên) nằm trong “Soạn Tập Bách Duyên Kinh”, quyển 5 do cư sĩ Chi Khiêm dịch tại Đông Ngô trong khoảng những năm 222-253; trong tạng Nikāya, cụ thể là tập “Ngạ Quỷ Sự” thuộc Tiểu Bộ kinh, là kinh Uttaramātu Petavatthu (phẩm Ubbari), cả hai tài liệu về kinh này trong hai tạng Hán và Nikāya đều tương đồng nhau. (chỉ khác một vài điểm rất nhỏ không đáng kể)Ý thứ hai: Nhân vật Uttara, được dịch là Ưu-đa-la hoặc Uất-đa-la trong ý thứ nhất, chính là người được tôn giả A-nan đem kinh Tăng nhất A-hàm phó chúc (theo kinh Tăng nhất A-hàm quyển 1).Ý thứ ba: Khi đọc vào bản kinh trên và đem so sánh với kinh Vu Lan mà hằng ngày chúng ta tụng đọc, sẽ thấy được sự tương đồng đáng kể. Chỉ khác là trong kinh Vu Lan, nhân vật chính là tôn giả Mục-kiền-liên; trong kinh Uttaramātu petavatthu (Ưu-đa-la Mẫu Đọa Ngạ Quỷ Duyên) thì nhân vật lại là ngài tôn giả Uttara (Ưu-đa-la).Vậy thì, về nguồn gốc tuyến tính nhân vật và cốt truyện trong kinh Vu Lan là hoàn toàn có cơ sở trong cả Hán tạng lẫn tạng Nikāya của Phật giáo Nam truyền. Nếu có thời gian, mọi người có thể đọc rõ và đầy đủ hơn trong “Biện chính Phật học” (tập 1), bài “Kinh Vu Lan – khảo về nguồn gốc Hán tạng và Nikāya” của TT. Thích Chúc Phú.

Kết luận

Qua những ý trên, người viết mong rằng có thể khái quát và giới thiệu một chút gì đó về ý nghĩa cũng như nguồn gốc và những sự tương đồng về ngày lễ Vu Lan để mọi người có niềm tin hơn trong sự tu tập theo lời Phật dạy.

Để kết thúc bài viết, xin được trích một đoạn trong bài báo do Mai Linh (tổng hợp) với nhan đề “Ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu Xuất Phát Từ Đâu?” đăng trên trang báo điện tử VTC News vào ngày 18/08/2023, thay cho lời kết cũng như lời cảm tạ đến quý độc giả nhân ngày lễ Vu Lan: “Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Vu Lan không chỉ là nghi lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người làm con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành, dưỡng dục mình. Mùa Vu Lan Báo Hiếu cũng là dịp để mỗi người chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và có hành động thực tế báo đáp ơn cha mẹ và chia sẻ với những người xung quanh mình.

Lễ Vu Lan Báo Hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không…”